Du lịch miền Tây vào mùa nước nổi, bạn sẽ được khám phá và trải nghiệm cuộc sống dân dã, quyến rũ của vùng miền sông nước Cửu Long. Cứ vào khoảng tháng 7 đến tháng 10 âm lịch hằng năm, người dân miền Tây lại đón chờ món quà từ thiên nhiên – mùa nước nổi. Dòng nước Mê Kông chảy qua hàng ngàn cây số, qua 6 quốc gia trong khu vực đã mang theo phù sa màu mỡ tưới mát vùng đồng bằng Tây Nam Bộ. Cây cối được khoác lên mình tấm áo mới, thảm thực vật trở nên phong phú, thủy hải sản dồi dào. Tất cả đã tạo nên một nguồn thực phẩm lớn làm giàu hơn cho kho tàng ẩm thực miền sông nước. Hãy cùng Apple Travel khám phá những món ăn dân dã, đồng quê nhưng đậm đà đến khó quên của sông nước miền Tây.
Đặc sản miền Tây mùa nước nổi – Những món ăn không thể bỏ qua khi đi phượt miền Tây sông nước
Lẩu Cá Linh Bông Điên Điển – Món ăn đậm chất miền Tây
Mùa nước nổi về cũng là lúc những cánh đồng miền Tây được nhuộm màu vàng rực rỡ của bông điên điển. Những con cá linh béo tròn, lấp lánh ánh bạc theo dòng nước lũ đổ về trở thành đặc sản làm vang danh ẩm thực vùng sông nước Tây Nam Bộ. Cá linh đầu mùa tầm tháng 9-10 là cá linh non, thịt mềm, ngọt, hầu như không có xương. Vị ngọt từ cá linh hòa quyện cùng vị chua thanh của nước dùng, vị chát và bùi của bông điên điển chấm với nước mắm mặn pha ớt… tạo nên một món ăn tuyệt tác miền sông nước đúng chất hương đồng gió nội mà không đâu có được.
Cá Lóc Nướng Trui
Cá lóc thịt chắc, ngọt, xuất hiện nhiều vào mùa nước nổi miền Tây. Ngoài canh chua cá lóc nổi tiếng, người miền Tây còn có món cá lóc nướng trui kiểu dân dã mang đậm hương vị đồng quê. Để có được hương vị chuẩn, khi nướng phải phủ rơm vừa đủ, rơm ít cá sẽ sống còn rơm nhiều quá cá khét, ăn bị đắng. Cá lóc nướng trui vừa chín tới là khi bên ngoài lớp vảy cháy xem còn bên trong thịt trắng phau. Ngon nhất là ăn cuốn cùng bánh tráng, kèm các loại rau thơm, chuối xanh, dưa chuột, khế và nước chấm mắm me. Thịt cá lóc ngọt thơm quyện chặt với vị thanh mát của các loại rau sống ăn kèm luôn là món quà ngon mùa nước nổi dành cho bất cứ ai mến ẩm thực miền Tây Nam Bộ.
Bông Súng Mắm Kho
Bông súng cũng là loại nguyên liệu đặc trưng chỉ có ở mùa nước nổi đồng bằng sông Cửu Long. Hoa súng mọc ở vũng đất trũng, đọng bùn, khi mùa nước về, bông súng trồi lên. Bông dùng để chế biến thành món ăn là bông chưa nở, sau khi hái về tước hết lớp vỏ bên ngoài, xắt khúc ngắn và để ráo nước. Mắm kho phải là mắm cá sặc đồng muối trong hũ sành, có màu đỏ thẫm thơm lừng. Mắm kho thơm ngon hòa quyện cùng vị cay của ớt, mùi thơm của sả, ngọt của tép, giòn của bông súng ăn cùng với thịt ba chỉ bùi ngọt. Món ăn này đã nuôi lớn không biết bao nhiêu người con của vùng đất Miền Tây sông nước.
Bún Nước Lèo
Bún nước lèo là món ăn có xuất xứ từ người Khmer ở Sóc Trăng nhưng nó đã nhanh chóng trở lên phổ biến và trở thành một trong những món ăn xuất sắc của miền Tây. Món bún hấp dẫn này mang vị ngọt thanh, tự nhiên của tôm cá tươi, ăn kèm cùng thịt heo quay bì giòn thơm, các loại rau sống như bắp chuối, rau muống bào nhỏ, bông súng.
Chuột Đồng Nướng Lu
Nếu không phải dân miền Tây, nhiều người nghe đến thịt chuột sẽ không dám ăn. Nhưng thực tế chuột đồng dùng để làm món ăn chính là chuột đồng chuyên ăn lúa gạo nên không mang nhiều vi khuẩn như chuột cống. Chuột để nướng lu phải là những chú chuột đã ăn no lúa chín, béo múp, được làm sạch ruột, cắt móng, rồi tẩm ướp gia vị như muối ớt, sả, sau đó móc từng con vào lu. Vừa quay vừa trở tay, thêm mỡ, thêm nước gia vị, nướng đến khi chuột chín vàng, thịt thơm, mềm và da giòn là đạt chuẩn.
Bánh Xèo Bông Điên Điển
Bánh xèo miền Tây có vị khác với bánh xèo miền Trung. Đó là khi vào mùa nước, nhân bánh được bổ sung thêm những bông hoa điên điển đặc trưng. Bột làm vỏ là bột gạo pha với nước cốt dừa cho loãng, thêm chút bột nghệ vào cho bánh được vàng và thơm. Nhân bánh gồm thịt heo xắt miếng nhỏ, ướp gia vị xào cùng bông điên điển vị giòn ngọt. Bánh xèo bông điên điển là giao thoa của nhiều hương vị hài hòa, gồm có chua cay của nước chấm, ngọt của tôm thịt, giòn giòn của vỏ bánh, bông điên điển và bùi bùi của mỡ hành. Bánh được ăn cùng với các loại rau theo mùa như: đọt bằng lăng, đọt xoài, đọt điều, lá mơ…
Ba Khía Muối
Hình cảnh con ba khía đã gắn liền với cuộc sống của người dân vùng sông nước miền Tây từ lâu. Hằng năm vào mùa nước nổi cũng là lúc món ba khía có chất lượng ngon nhất.
Để biết ba khía ngon hay không, người ta thường bẻ ngoe, nếu thấy đầy thịt là ngon, còn ngoe trống rỗng là ba khía muối lâu ngày tiêu hết thịt hay còn gọi là bị bủng. Ba khía muối là đặc sản nổi tiếng ở Bạc Liêu. Ba khía sau khi bắt về được gỡ bỏ vỏ, trộn đều với tỏi ớt, đường và chanh, ướp khoảng 30 phút cho ngấm là ăn được. Món ăn đẫm vị ngọt của đường, vị chua của chanh, vị cay nồng của tỏi ớt, chỉ cần ăn với cơm trắng cũng đủ ngon. Ngoài ra, ba khía muối trộn với gia vị và khế chua cũng là một món ăn ngon “số dzách” cho những ai dám thử.
Comment (0)